Truy cập hiện tại

Đang có 63 khách và không thành viên đang online

Cần sự chung tay phát triển văn hóa đọc

(TUAG)- Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Ngày này ra đời, được lấy cảm hứng từ ngày 21/4/1927 - ngày xuất bản cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Tác phẩm có vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Với việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này còn thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại.
 

Hội Liên hiệp Thanh niên phát động chương trình “Mỗi thanh niên một quyển sách làm bạn”

Đọc sách vốn là một truyền thống văn hóa đẹp đã có từ lâu đời nay, các bậc tiền nhân đã có thói quen đọc sách, yêu quý sách. Cách đây 200 năm, cụ Cao Bá Quát từng nói: “Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”; hay như nhà văn, triết gia người Pháp Voltaire, đút kết: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Trước khi có các phương tiện nghe - nhìn, sách là con đường lớn nhất dẫn dắt con người tiếp cận thông tin, văn hóa, giải trí, giúp chúng ta lĩnh hội nhiều nguồn tri thức khác nhau từ kim cổ, đông tây để từ đó học hỏi, áp dụng vào đời sống thực tiễn của chính mình.

Thế nhưng hiện nay, một thực tế đáng lo ngại là mọi người dường như có vẻ lãnh đạm, thờ ơ với văn hóa đọc nói chung, đọc sách nói riêng. Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% người không đọc sách và 44% người thỉnh thoảng đọc. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Và trong một khảo sát đối với sinh viên TP.HCM, có 47,26% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của sách, 26.37% nghĩ rằng đọc sách là cần thiết, 25,15 cho rằng việc đọc sách là bình thường, có hay không cũng được và 1,22% nghĩ rằng việc đọc sách là không cần thiết.

Tình trạng lười đọc diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với giới trẻ Việt đọc sách càng có xu hướng giảm mạnh. Sau khi Internet ra đời đến nay đã làm mai một khá nhanh phương thức đọc truyền thống, con người đang chuyển dịch từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe - nhìn. Một chiếc điện thoại thông minh trong tay, người ta vừa có thể nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc báo, rõ ràng là nó tối ưu hơn hẳn một cuốn sách cồng kềnh.

Mặc dù chiến lược phát triển văn hoá đọc đã được Đảng và Nhà nước chú trọng trong nhiều năm qua, cho đến nay, sức đọc của người Việt Nam vẫn ở mức thấp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đọc sách hiện nay chủ yếu rơi vào học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường liên quan đến sách vở, trí thức. Do những nguyên nhân khác nhau, văn hóa đọc ở nông thôn thấp hơn thành phố. Với vùng sâu, vùng xa, hệ thống sách và thư viện phát triển yếu; nguồn sách mới hầu như không đáng kể.

Thói quen, kỹ năng đọc của độc giả, nhất là số độc giả trẻ chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe - nhìn cũng làm thay đổi thói quen đọc của người Việt. Người ta đang có xu hướng đọc nhanh hơn, đọc mỏng hơn, hoặc thích đọc trên mạng Internet, trên điện thoại di động hơn là đọc trong sách.

Để văn hóa đọc, trước hết là đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu trong xã hội cần sự chung sức, đồng lòng quyết liệt hơn hữa của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
 

Xe thư viện lưu động tỉnh An Giang phục vụ tại các trường học

Đặc biệt, trong tháng 4 này, nhiều hoạt động khuyến đọc được tổ chức sôi nổi và thiết thực trên toàn quốc như: Các chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 sẽ tập trung tổ chức từ ngày 15/4 đến ngày 01/5/2024, với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”; tổ chức đường sách, phố sách, triển lãm sách, hội sách với không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành; các hoạt động giao lưu, tọa đàm giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ với công chúng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách tại cơ quan, đơn vị; tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách triển khai các chương trình tặng sách đến các đối tượng yếu thế; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc; quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới và các đối tượng bảo trợ xã hội…

Thông qua các hoạt động nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Nguyễn Lam
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37233478